Lâu nay, khi nhắc đến xe buýt, nhiều người dân TPHCM hay nghĩ đến hiện tượng tài xế xe buýt chạy ẩu, bỏ trạm, gây tai nạn giao thông. Thực ra, đó chỉ là số ít và dần bị đào thải trong bối cảnh các công ty xe buýt đang cố gắng đưa hoạt động vào nền nếp. Ít ai thấu hiểu, nghề tài xế xe buýt rất nhiều nỗi gian nan...
Nghề căng thẳng
Tâm sự với chúng tôi, tài xế xe buýt tuyến 33 Trần Đức Hạnh (Đại học Quốc gia TPHCM - Bến xe An Sương), tâm sự: “Hàng ngày, thường thì khoảng 23 giờ tôi mới về đến nhà; nếu hôm sau phải chạy tài đầu từ làng Đại học, tôi vẫn phải dậy từ 3 giờ sáng, rồi đi từ An Sương lên cho kịp giờ. Nghề tài xế xe buýt luôn phải thức khuya dậy sớm. Đi làm từ tờ mờ sáng và về nhà khi mọi người đã ngủ. Phần lớn thời gian trong ngày phải căng thẳng ôm vô lăng điều khiển chiếc xe cồng kềnh di chuyển trên đường chật chội, ken đầy xe máy, ra vào trạm khó khăn. Tối, đưa mọi người về đến bến rồi, tài xế xe buýt cũng chưa thể nghỉ ngay. Đã chấp nhận làm nghề tài xế xe buýt thì phải chấp nhận vất vả như vậy”.
Mỗi ngày, trung bình mỗi tài xế xe buýt phải chạy từ 8 - 10 lượt trên lộ trình. Mỗi lượt chỉ được nghỉ chừng 8 phút. Những hôm thiếu xe, phải chạy tăng cường đến 11 lượt trong ngày, vừa về bến lại quay xe đi ngay. Anh Hùng, tài xế xe buýt tuyến 99 (Đại học Quốc gia TPHCM - chợ Thạnh Mỹ Lợi), cho biết: “Thời gian các tài xế xe buýt rong ruổi trên lộ trình luôn phải tính chính xác từng phút, vì công việc đòi hỏi phải tuân thủ thời gian một cách nghiêm túc. Xuất phát đúng giờ, về bến đúng giờ, tại các mốc đã được quy định trên lộ trình cũng không được trễ thời gian quy định. Nếu đến các điểm quy định trên lộ trình trễ, hoặc về bến trễ 1 phút sẽ bị phạt 15.000 đồng”.
Quy định như vậy để việc vận hành xe buýt văn minh, phù hợp xã hội công nghiệp, bảo đảm cho hành khách không bị trễ giờ đi học, đi làm. Nhưng trên đường phố TPHCM thường xảy ra kẹt xe, ùn ứ vì đủ thứ nguyên do, nên tài xế xe buýt phải rất khó khăn để về bến đúng giờ quy định. Vì thời gian hạn hẹp nên tài xế xe buýt chỉ có thể ăn trưa, ăn tối qua loa, vội vàng cho kịp giờ chạy lượt tiếp theo, có khi còn chẳng kịp ăn.
Với các tuyến xe buýt trên xe không có nhân viên bán vé, công việc của tài xế còn căng thẳng nhiều hơn nữa. Khi ghé trạm, tài xế phải căng mắt đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, canh chừng cho hành khách lên xuống xe an toàn, rồi tất bật xé vé cho hành khách.
Tài xế xe buýt phải luôn tập trung cao độ để vững tay lái
Có ý thức trách nhiệm với nghề
Để trở thành tài xế xe buýt, đối với loại xe nhỏ, tài xế phải có bằng E; loại xe lớn hơn thì tài xế phải có bằng D trở lên. Không những vậy, họ còn phải tham gia học và thi các lớp nghiệp vụ do Sở Giao thông Vận tải TPHCM tập huấn về luật giao thông, thái độ đối xử với hành khách…
Nhiều tài xế xe buýt rất ý thức trách nhiệm với nghề. Các tài xế đã nhiều năm trong nghề tâm sự rằng mình chưa từng có ngày lễ tết, bởi ngày nào cũng đi làm bình thường, thậm chí ngày lễ tết còn vất vả hơn. Tài xế Hùng kể: “Tôi lái xe 3 ngày sẽ được nghỉ 1 ngày, ngoài ra còn có ngày trực ở bến xe. Cũng quen rồi, chỉ buồn những khi nghe dư luận trách cứ tài xế xe buýt. Những trường hợp tài xế chạy xe trên vỉa hè, chạy ẩu gây tai nạn giao thông, bị chê trách và bị phạt là phải rồi. Chỉ thấy buồn khi bị dư luận trách oan rằng xe buýt chạy lấn làn đường, thực ra thì xe buýt được chạy cả 3 làn đường”.
Chia sẻ về công việc của mình, các tài xế xe buýt mà chúng tôi đã gặp đều nhắc đến việc khi lái xe buýt phải luôn tập trung cao độ để vững vàng tay lái. Vì khi điều khiển xe buýt liên tục ra vào trạm, rất dễ xảy ra va quẹt với xe máy, nhất là giờ cao điểm, trên xe hành khách đông nghịt, dưới đường xe máy lao tạt ngang đầu xe. Không chỉ bị áp lực về việc bảo đảm an toàn giao thông, tài xế xe buýt còn bị áp lực về thời gian, áp lực vì tắc đường và cả áp lực trong việc tiếp xúc, ứng xử với cả trăm hành khách mỗi người một ý.
Không chỉ phải đối mặt với nhiều áp lực, mà tài xế xe buýt còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các tài xế xe buýt hợp tác xã được hỗ trợ về bảo hiểm hàng tháng, lương cao hơn. Trong khi các tài xế chạy xe buýt công ty tư nhân phải tự bỏ tiền đóng phí bảo hiểm.
Các tài xế lâu năm trong nghề chạy xe buýt hợp tác xã được hưởng lương theo số chuyến xe chạy được trong tháng, trung bình từ 12 - 14 triệu đồng/tháng. Các tài xế chạy xe buýt tư nhân thì lương chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, họ không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Mưu sinh vất vả, gian nan, nhưng chính lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm đã níu giữ các bác tài xe buýt trụ lại với nghề, ngày ngày vững tay lái trên những cung đường.
Thùy Nga.
(Nguồn: http://www.sggp.org.vn/xe-buyt-dau-chi-co-chay-au-bo-tram-gay-tai-nan-452527.html)