Vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố có xảy ra tình trạng phương tiện được cấp phù hiệu taxi, xe hợp đồng và biển hiệu du lịch của một địa phương nhưng lại chủ yếu hoạt động ở địa phương khác. Nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, hợp đồng và du lịch một số ý kiến như sau:
1. Dấu hiệu vi phạm quy định về vận tải đường bộ
Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trường hợp xe kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại một địa phương, thì xe đó phải được cấp phù hiệu của địa phương đó. Thời gian hoạt động này được xác định thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện. Như vậy, các phương tiện mang phù hiệu taxi, xe hợp đồng hoặc biển hiệu du lịch của một địa phương nhưng hoạt động hơn 70% thời gian ở địa phương khác là không đúng quy định.
2. Hình thức xử lý vi phạm
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, vi phạm hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 6 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, phương tiện vi phạm bị tước quyền sử dụng phù hiệu hoặc biển hiệu từ 1 đến 3 tháng.
Khuyến nghị
Trung tâm kêu gọi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các thành viên, chủ phương tiện thuộc quyền quản lý, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về vận tải đường bộ. Nếu phát hiện các vi phạm, Trung tâm sẽ chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.