Bỏ xe máy đi xe buýt
Phạm Hữu Nghĩa (31 tuổi, ngụ quận 8) hàng ngày bắt xe buýt đi từ quận 8 xuống làng đại học ở Thủ Đức để làm việc. Nhà cách trạm xe gần một cây số và ở điểm đến anh cũng phải đi bộ thêm khoảng 30 phút để đi từ bến vào chỗ làm.
"Nhưng tôi thích đi bộ và đã quen với việc đó nên thấy không khó khăn gì. Trên xe buýt thì có thể ngắm phố phường, nghe nhạc, tranh thủ đọc sách, học tiếng Anh", anh chia sẻ. Đó là lý do anh quyết định bán hẳn xe máy sau gần chục năm chạy xe để chuyển sang đi xe buýt.
Một năm chuyển từ xe máy qua đi xe buýt từ Bình Thạnh lên quận 1 (TP.HCM), Nguyễn Khánh Toàn (29 tuổi, ngụ Bình Thạnh) thấy cái lợi lớn nhất là thảnh thơi hơn, không phải căng người lái xe máy giữa dòng người đông đúc hai buổi sáng, chiều.
"Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đã có 7 năm đi làm bằng xe máy. Thấy trạm xe buýt cách nhà vài trăm mét, tôi nghĩ sao mình không thử. Đi một thời gian, tôi ghiền, chuyển hẳn qua xe buýt", Khánh Toàn kể.
Toàn liệt kê những điểm lợi của xe buýt: rẻ, thoải mái, không tốn tiền gửi xe, góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải.
"100 người đi xe buýt sẽ giảm 100 xe máy đi ngoài đường, sẽ có bao nhiêu lợi ích. Xe buýt hiện tại bất tiện cũng một phần do xe máy quá nhiều, đường không thông thoáng. Nếu có thêm nhiều khách, xe buýt sẽ càng thuận tiện hơn", Toàn chia sẻ.
Công việc làm bếp 8 tiếng vắt kiệt sức lực của Toàn, nên anh vô cùng mệt mỏi khi phải lái xe căng thẳng, còn "lên xe buýt thì chỉ cắm tai nghe rồi nghe nhạc thảnh thơi".
Anh cảm thấy thoải mái khi mỗi ngày đi bộ từ nhà ra bến chừng 5-7 phút và cũng hiếm khi phải chờ đợi, lỡ chuyến như nhiều người nghĩ.
"Đi xe buýt khỏe. Với Google map tôi có thể chọn phương tiện di chuyển. Sau khi chọn tuyến buýt trên map, chừng 10 phút trước khi xe tới, app sẽ réo "10 phút nữa sẽ có một chuyến xe đi qua điểm này". App thông báo chính xác nên khá tiện", anh kể.
Đi xe buýt từ thời còn sinh viên, ra trường cũng sắm xe máy như hầu hết mọi người với ý nghĩ đi làm cho tiện nhưng hai năm nay Tô Văn Lộc (30 tuổi, ngụ quận 8) cũng bán xe máy để đi xe buýt.
Thời gian ngồi trên xe buýt anh chàng sẽ thảnh thơi ngắm phố phường. "Có rất nhiều ý tưởng cho công việc của tôi nảy ra từ những lần ngồi xe buýt quan sát mọi thứ từ trên xe", Lộc kể.
Cái lợi nữa theo Lộc là tiết kiệm tiền đổ xăng, không phải lo tiền gửi xe, không tốn 200 ngàn đồng phí gửi xe chung cư hàng tháng. Ngồi trên xe buýt anh cũng thấy rõ hơn việc chạy xe máy ở đường phố Sài Gòn đông đúc quá nhiều rủi ro bởi "thấy va quẹt xe, thấy tai nạn nhiều lắm".
Đừng ngại thay đổi
Càng đi xa, dùng buýt càng tiện lợi, nhưng người sử dụng cũng phải thay đổi nhiều thói quen để thích nghi: phải đi bộ, phải dậy sớm…
Thanh Long (28 tuổi, ngụ Tân An Hội, Củ Chi) kể sáu năm nay Long đã quen với việc sáng nào cũng thức dậy từ 5 giờ, đón buýt 1,5 tiếng tới công ty nằm trong trung tâm TP. Nhưng bù lại anh có thể tranh thủ nghỉ ngơi trên xe thay vì căng thẳng lái xe suốt 1,5 tiếng trong khói bụi, kẹt xe.
Với Hữu Nghĩa, anh cũng thường phải dậy từ lúc 5g30 mỗi sáng để đủ thời gian đi bộ đến điểm đón xe buýt và ngồi xe buýt đi quãng đường khoảng 30 km để tới nơi làm việc.
"Tôi không ngại đi bộ vì đi bộ rất tốt để rèn luyện sức khỏe. Bạn có thể tranh thủ để tập thể dục. Khi đi du lịch tôi cũng tự đặt ra quy ước cho mình: dưới 3 km thì đi bộ", Nghĩa kể.
Chuyện hẹn hò bạn bè, người yêu của Thanh Long khi không đi xe máy cũng khác mọi người. "Bất tiện của xe buýt ở TP là hết xe sớm, khoảng 7g30-8g tối. Có hẹn sau giờ làm thì ưu tiên chọn điểm hẹn tiện đi xe buýt rồi đứa đi xe buýt, đứa đi xe máy tới. Nếu kẹt quá thì có thể đặt "xe ôm công nghệ", Long kể.
Cho con đi xe buýt
Nhiều phụ huynh ở TP.HCM cũng tập cho con đi học bằng xe đạp, xe buýt từ cấp 2. "Tôi đi với con một lần từ nhà đến trường để hướng dẫn con bắt xe, xuống xe. Hai mẹ con cũng từng đi xe đạp cùng nhau chừng một tuần. Con đi trước, tôi đạp theo sau.
Bây giờ con 13 tuổi, học lớp 8, chủ động chọn đi xe đạp hay đi xe buýt. Mình chỉ cần hỏi han, quan tâm để biết thôi. Tôi luôn nói chuyện, tôn trọng suy nghĩ của con, cả trong việc lựa chọn phương tiện đi học", chị Thùy Dương (ngụ Q. Bình Thạnh), phụ huynh bé Phạm Thanh Phương chia sẻ.
Con gái chị tự sắp xếp thời gian thức dậy, đi bộ chừng 10-15 phút ra điểm đón xe rồi đi xe buýt đến trường ở quận 10.
"Tôi muốn rèn luyện cho con tính tự lập. Con cũng học được rất nhiều thứ về cách đón xe, canh thời gian đón xe, lên xuống xe… Có những hôm về nhà trước mẹ, bé còn nấu cơm chiều", chị kể.
Với đứa con nhỏ 4 tuổi, chị cũng thỉnh thoảng cùng con đi đến trường bằng xe buýt, tập cho bé làm quen, được đi bộ, vận động. Nhiều người thường bảo chị "liều lĩnh", nhưng với chị là cả một quá trình rèn luyện tính tự lập cho con từ bé.
"Phụ huynh không chỉ lo ngại chuyện an toàn, mà còn sợ con đi một mình, đi học về sẽ không về nhà, lêu lổng với bạn bè. Họ không tin tưởng con. Quan trọng là hãy luôn chia sẻ, kết nối với con để con cũng tin tưởng, chia sẻ mọi thứ với mình. Đó là cách quản lý con hiệu quả nhất", chị Thùy Dương chia sẻ.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/di-xe-buyt-ban-tre-thanh-thoi-giua-dong-xe-may-nguoc-xuoi-2019032611043401.htm)